4. Quy tắc uống nước khoáng kiềm thiên nhiên?
Thưa BS, có quy tắc nào cho việc uống nước khoáng kiềm không, nên uống lúc nào, và uống bao nhiêu là đủ ạ? (Phạm Anh Tuấn)
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời:
Anh Tuấn thân mến,
Dường như bạn đang hiểu nhầm nước khoáng kiềm thiên nhiên là thuốc chữa bệnh nên mới đặt ra câu hỏi liều lượng, thời điểm uống tốt nhất.
So với nước uống thông thường thì nước khoáng kiềm thiên nhiên có những tác dụng tốt đối với sức khỏe, đặc biệt hỗ trợ cho người có bệnh lý dạ dày tá tràng. Vì vậy, bạn có thể uống như thông thường. Nguyên tắc là uống nước thường xuyên, uống vào ban ngày, hạn chế uống nước trước khi đi ngủ, vì như vậy cơ thể sẽ phải lọc, tạo ra nước tiểu và khiến cho giấc ngủ của bạn bị ảnh hưởng.
Theo khuyến nghị, mỗi ngày chúng ta nên uống 2-3 lít nước. Mỗi lần uống cách nhau 1 – 2 tiếng là tốt nhất, không nên để thời gian uống giữa 2 lần cách nhau quá xa, chẳng hạn như sau 3 giờ. Ngoài ra, nên hạn chế uống nước trong bữa ăn, khi đó chúng ta đã có một phần nước từ thực phẩm. Nếu uống nước trong bữa ăn sẽ làm pha loãng dịch vị, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
5. Có nên dùng nước khoáng kiềm pha sữa, bột, nấu cháo cho trẻ?
Bé nhà em đang tập ăn dặm, bình thường em vẫn lấy nước khoáng kiềm này để đun lên pha bột, nấu cháo cho bé, như vậy có được không ạ? Trẻ em có thể dùng được nước khoáng kiềm không ạ? Em cảm ơn BS. (Đinh Ngọc – TPHCM)
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời:
Bạn có thể dùng nước khoáng kiềm để nấu cháo, pha bột. Đối với pha sữa có thể dùng nước thông thường đun sôi, để nguội còn khoảng 40 độ C thì sẽ tốt nhất và phù hợp nhất. Tuy là nước đóng chai nhưng bạn cũng nên đun sôi. Lý do là vì thời gian để lâu hoặc do sơ suất của mình trong quá trình bảo quản (đã mở, hoặc lọt khí) khiến cho nước không sạch nữa, đối với trẻ em thì cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó tốt nhất là nên đun sôi nước.
6. Huấn luyện viên thể hình, uống bao nhiêu nước là đủ?
Em là huấn luyện viên thể hình. BS cho em hỏi, em cần uống bao nhiêu nước là đủ với đặc thù công việc như vậy? Vì em tham khảo nhiều nơi, mỗi nơi nói mỗi kiểu nên hoang mang quá. Em muốn đổi qua nước khoáng kiềm thiên nhiên để sử dụng, như vậy có được không ạ? Loại nước này có giúp ích gì cho những người tập luyện thể thao cường độ cao như em? (Võ Hoàng Hiệp – Lâm Đồng)
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời:
Hoàng Hiệp thân mến,
Với những người hoạt động thể lực nhiều, mạnh thì cần phải tăng lượng nước. Ở người bình thường, chúng ta sẽ uống khoảng 2-3 lít nước, tùy theo từng cá nhân. Nếu tính theo cân nặng, chúng ta sẽ uống 40-50ml/ kg. Đó là với người hoạt động thể lực với cường độ nhẹ, sinh hoạt trong điều kiện môi trường và nhiệt độ thông thường.
Trong trường hợp của bạn, hoạt động thể lực ở mức độ nặng thì cần tăng thêm lượng nước tùy thuộc vào mức độ hoạt động thể lực của mình. Lượng nước có thể tăng thêm khoảng 30% so với mức thông thường. Ngoài ra, lượng nước cung cấp vào phải tương thích với lượng mồ hôi mất đi, tương tích với lượng nước mất qua hơi thở. Bởi khi bạn hoạt động thể lực mạnh hơn hơi thở sẽ tăng lên, nên sẽ mất nước qua hơi thở, vì vậy việc cung cấp nước bù lại là điều cần thiết.
Biểu hiện để bạn nhận thấy đã uống đủ nước đó là nước tiểu màu vàng nhạt, trong như bình thường. Còn trong trường hợp nước tiểu ít, đậm màu, thấy khát nước, trong người không được thoải mái, da khô… thì đó là những dấu hiệu cho thấy bạn chưa bù đủ nước.
Bạn có thể sử dụng nước khoáng kiềm thiên nhiên như câu hỏi đề cập. Với những người tập luyện thể hình, vận động mạnh sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn, cần nhiều chất khoáng, vitamin, điện giải hơn. Thông qua mồ hôi, bạn sẽ mất khá nhiều chất điện giải, ví dụ như natri, chất khoáng khác. Vì vậy, bạn có thể bù lại bằng nước khoáng để giúp cơ thể được bồi phụ thêm chất khoáng cũng như điện giải, điều này cũng sẽ tốt cho cơ.
Bạn có thể thấy, một trong những kinh nghiệm của người lao động thể lực nặng hoặc hoạt động phải tiêu hao nhiều năng lượng, khi uống nước muối đường sẽ thấy dễ chịu hơn việc chỉ uống nước đường không.
Ngoài ra, huấn luyện viên thể hình sẽ phải vận cơ rất nhiều, khi đó sẽ sản sinh các gốc tự do, đây là môi trường có tính axit. Do đó, khi sử dụng nước có pH kiềm sẽ tốt hơn, giúp các cơ của chúng ta mau phục hồi, trung hòa bớt các gốc tự do, đồng thời uống nhiều nước để thải chất độc trong quá trình chuyển hóa và vận động cơ thể nặng.
7. Vì sao uống nước lại có cảm giác nặng nề, khó chịu trong dạ dày?
BS tư vấn giúp em với, em không hiểu sao mỗi lần uống nước là lại có cảm giác nặng nề, khó chịu trong dạ dày. Có phải là do em uống nước chưa đúng cách không ạ? Nhờ BS chỉ ra giúp em những sai lầm thường gặp khi chúng ta uống nước là gì để em tránh ạ? (Lê Xuân Dũng – TPHCM)
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời:
Chào bạn Xuân Dũng,
Nếu bạn uống nước và có cảm giác nặng nề, khó chịu trong dạ dày thì đúng là cần phải xem lại thói quen của mình có mắc phải những sai lầm dưới đây không nhé:
– Sai lầm thứ nhất là lúc nào khát mới uống và khi khát thì uống cho đã khát mới thôi. Cách uống nước đúng là phải uống thường xuyên. Mỗi 1-2 tiếng đồng hồ phải uống nước 1 lần, kể cả có cảm giác khát hay không. Bởi vì cảm giác khát này còn tùy thuộc vào sự nhận diện mỗi người, có người thì rất nhạy, chỉ cần hơi khát là cảm giác ngay. Nhưng có người không nhạy như vậy, đó là người cao tuổi, trẻ em, người uống thuốc có tác dụng phụ ức chế thần kinh trung ương…
– Sai lầm thứ hai là uống quá nhiều nước một lúc. Về lượng nước, mỗi lần chúng ta uống khoảng 100-200ml. Nếu chúng ta uống nhiều hơn, đưa một lượng nước đột ngột sẽ làm căng dạ dày, kích thích thần kinh phế vị, lúc này sẽ tạo ra phản xạ khó chịu như mệt, cảm giác như ngợp tim, hơi ngộp thở… Tình trạng dạ dày căng đột ngột còn làm đẩy lên cơ hoành, làm cho bạn có cảm giác căng cứng phần trên bụng.
– Sai lầm thứ ba là uống các loại nước có gas, nước ngọt khi khát.
– Sai lầm thứ tư là uống nước ngay lập tức sau khi đi ngoài nắng về hoặc lao động thể lực nặng. Lúc này, không chỉ uống một lượng nước lớn mà còn sử dụng nước đá rất lạnh. Điều này cũng làm rối loạn dây thần kinh phế vị, tạo ra sự khó chịu như đã nói trên. Vì vậy, chúng ta cần chú ý rằng, cần uống nước từ từ, uống nước nguội – tức là nước ở nhiệt độ môi trường, không nên uống nước nóng hoặc lạnh, và càng không nên uống nước ngọt, nước có gas. Bạn hoàn toàn có thể dùng nước khoáng, nước lọc bình thường, thêm một chút muối sẽ làm bạn dễ chịu hơn.
8. Dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang dư axit?
Dấu hiệu nào cho thấy cơ thể mình đang dư axit thưa BS? Gần đây, em rất thèm nước, kiểu cảm giác miệng khô, mặt nổi mụn nữa. Bạn em bảo có thể do em thừa acid nên bị thế. Em cần làm gì để đưa cơ thể về mức cân bằng thưa BS? Trong chế độ dinh dưỡng cần lưu ý gì, mong BS hướng dẫn giùm em. (Nguyễn Thị Hoa – hoanguyen34…@gmail.com)
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời:
Xin chào bạn Hoa,
Thực tế chúng ta rất khó để nhận biết dấu hiệu thừa axit, bởi vì nó rất mơ hồ. Còn những triệu nhận ra ngay như toan máu thì thường sẽ khiến chúng ta đến bệnh viện một cách nhanh chóng. Vì vậy, nếu cơ thể có những dấu hiệu báo động thì chắc chắn là cần phải đi khám và phải làm một số xét nghiệm thì mới chẩn đoán được có dư thừa axit, hay mất cân bằng axit bazơ trong cơ thể hay không. Thường, bác sĩ sẽ cho bạn thử pH máu.
Như trường hợp của bạn có triệu chứng thèm nước, miệng khô thì tốt nhất là nên đi khám với bác sĩ để được chỉ định các xét nghiệm. Một trong những xét nghiệm quan trọng là xét nghiệm đường huyết. Nếu một người lúc nào cũng có cảm giác khát dù đã uống đủ nước thì chắc chắn phải kiểm tra xem có bị rối loạn đường huyết không.
Hiện nay, bạn còn tình trạng nổi nhiều mụn và cũng hay khát nước thì cần xem lại đã thực sự uống đủ nước, đúng loại nước hay uống nước đúng cách chưa, có tương thích với nhu cầu nước của cơ thể hay chưa. Nếu thiếu thì phải uống bổ sung.
Mặt khác, mụn còn do rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do các bệnh lý ở da. Thứ hai là do chúng ta sử dụng các loại hóa mỹ phẩm. Thứ ba là do chế độ dinh dưỡng không cân đối, hợp lý. Thông thường những người tiêu thụ quá nhiều chất béo, bao gồm ăn nhiều đồ chiên xào, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, công nghiệp, ăn quá nhiều chất đạm có nguồn gốc từ động vật, ăn quá nhiều đường, muối, ăn ít rau… thường sẽ bị nổi nhiều mụn.
Vì vậy, cần phải điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Nếu bạn hay nổi mụn thì nên chọn các thực phẩm có tính kiềm như rau và trái cây. Trong đó các loại rau có màu xanh, vàng, cam, tím… đều tốt bởi có chứa nhiều Beta-carotene – tiền vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với các tế bào biểu mô ở da, đồng thời còn chứa các chất chống oxy hóa. Chẳng hạn, nếu ăn rau củ có màu tím thì bạn sẽ được cung cấp rất nhiều các chất chống oxy hóa anthocyanins giúp bảo vệ các tế bào, trong đó có da, giúp cải thiện tình trạng tăng tiết bã nhờn và tạo mụn nhiều.
Trái cây thì nên lựa chọn loại trung tính, ít ngọt, cần có vitamin C nên ưu tiên chọn mận, ổi, cam, bưởi và cũng có thể uống nước chanh ít đường. Tuyệt đối không nên uống nước giải khát, nước ngọt, hạn chế cà phê… Như vậy sẽ góp phần giải quyết tình trạng mụn. Bên cạnh đó, bạn hoàn toàn có thể sử dụng nước khoáng kiềm.
9. Bảo quản nước trong tủ lạnh có làm mất các dưỡng chất?
Bảo quản nước trong tủ lạnh có làm mất đi các dưỡng chất có trong nước không ạ? Tôi thì rất thích uống nước mát nên hay để trong tủ lạnh. Nhưng chồng tôi nói, về lâu dài sẽ làm mất đi các khoáng chất mà nước có. (Châu Thị Quý – quychau56…@gmail.com)
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trả lời:
Nước đã đóng chai, bảo quản lạnh sẽ giúp nhiệt độ của nước thấp hơn một chút, vì vậy nếu bạn có sở thích uống nước mát thì hoàn toàn có thể sử dụng. Ngoài ra, nếu bạn đã “lỡ” mở nắp chai nước rồi thì việc bảo quản nước lạnh sẽ làm cho vi khuẩn không phát triển nhanh như môi trường bên ngoài. Nếu chai vẫn còn nguyên và bảo quản trong tủ lạnh thì điều này không ảnh hưởng đến chất lượng của nước.
Nếu bạn dùng nước có pH kiềm, bổ sung thêm một số chất khoáng, điều này cũng không ảnh hưởng gì đến nhiệt độ bảo quản nước cả. Vì vậy, bạn có thể yên tâm sử dụng.
Nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe con người. Đây là dung môi để các phản ứng hóa học trong cơ thể diễn ra hoàn hảo, giúp cân bằng nội môi, duy trì các chức năng của cơ thể. Nước cũng là dung môi để giúp phản ứng chuyển hóa các chất dinh dưỡng được trơn tru.
Nước cũng cung cấp cho chúng ta điều kiện thuận lợi nhất để bảo vệ các tế bào, ngoài ra còn giúp điều hòa thân nhiệt, duy trì các chức năng hô hấp, thông qua việc cung cấp lớp màng bao phim giúp cho phổi hoạt động hiệu quả, đồng thời giúp cho màng tim, màng khớp làm việc tốt hơn.
Theo khuyến nghị, nhu cầu nước của chúng ta hằng ngày cần được đáp ứng tính theo kilogam cân nặng là 40-50ml/kg với người trưởng thành. Như vậy, thông thường sẽ cần 2-3 lít nước mỗi ngày. Chúng ta nên uống nước thường xuyên, mỗi 1-2 tiếng cần uống 1 lần. Mỗi lần uống từ 100-200ml nước.
Việc lựa chọn nước an toàn, vệ sinh, có thêm các chất khoáng, nếu được thì việc khai thác nguồn tự nhiên là rất tốt đối với sức khỏe. Với những người có bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, nếu đã được chẩn đoán, điều trị tốt thì nên ưu tiên lựa chọn các loại nước có pH kiềm, có chất khoáng tự nhiên để hỗ trợ quá trình điều trị tốt hơn. Chắc chắn, mỗi người chúng ta đều cần đảm bảo an toàn vệ sinh khi lựa chọn các loại nước để cung cấp cho cơ thể hằng ngày.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp – Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM
Cảm ơn Nước khoáng kiềm thiên nhiên Vikoda đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Link bài viết: https://alobacsi.com/nuoc-khoang-kiem-thien-nhien-giup-khac-che-tac-hai-cua-ruou-bia-thuoc-la-do-an-cay-nong-n418290.html